Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai
Xác định công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng gắn liền hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân, Cấp ủy, lãnh đạo Sở luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát trong công tác tuyên truyền PBGDPL nên công tác tuyên truyền PBGDPL tại đơn vị trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực; thể hiện được sự tiến bộ cả về hình thức, chất lượng và nội dung; đã phổ biến, giới thiệu nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến CBCCVC và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân.
Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Cấp ủy, lãnh đạo Sở, cũng như thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền PBGDPL, nên công tác PBGDPL trong thời gian qua đã thu được những kết quả nhất định. Cụ thể như:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kịp thời, thường xuyên các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến 100% CBCCVC và người lao động cơ quan thông qua các cuộc họp, hội nghị, các buổi đọc báo buổi sáng, các buổi sinh hoạt chi bộ, tổ chức đoàn thể cơ quan trung bình 1 tháng/1 lần. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là phổ biến, giới thiệu các văn bản pháp luật liên quan; những quy định của Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc; các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013; một số nội dung cơ bản của Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn, các văn bản của Việt Nam về việc phê chuẩn, triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn; một số nội dung về Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí,... Số lượng văn bản được PBGDPL từ năm 2013 đến nay: 295 văn bản. Số cuộc tuyên truyền từ năm 2013 đến nay: 105 cuộc/6.315 lượt người.
- Niêm yết các thủ tục hành chính về Đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư tại bảng thông báo của cơ quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đến liên hệ được dễ dàng.
- Phổ biến pháp luật thông qua tủ sách pháp luật: Cơ quan đã trang bị hàng trăm đầu sách pháp luật, phục vụ cho công tác nghiên cứu của cơ quan và các đoàn thể. Đồng thời, thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới có liên quan nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức.
- Tham gia 05 cuộc thi tìm hiểu pháp luật: Phát động trong toàn thể CBCCVC, người lao động trong cơ quan và đơn vị trực thuộc Sở tích cực hưởng ứng tham gia cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống ngành thanh tra” và cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật năm 2020, 2021 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” do Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức; cuộc thi tìm hiểu “Gia Lai - 90 năm hình thành và phát triển” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức.
- Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp đến giao dịch làm hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ xin chủ trương đầu tư,.... Nội dung tuyên truyền chủ yếu: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản pháp luật quy định liên quan. Số lượng doanh nghiệp được tuyên truyền, phổ biến từ năm 2013 đến nay trên 5.292 doanh nghiệp.
- Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính tại các doanh nghiệp, từ năm 2013 đến nay Sở đã tuyên truyền phổ biến pháp luật trên 926 doanh nghiệp. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là Luật Doanh nghiệp, Luật Xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật liên quan để cho doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện đúng quy định pháp luật.
- Tuyên truyền pháp luật phổ biến trên mạng Internet: Thông qua địa chỉ website của sở (
http://skhdt.gialai.gov.vn/) cơ quan đã phổ biến nhiều tin bài có nội dung liên quan đến những quy định pháp luật cần thiết, một số văn bản pháp luật mới có liên quan đến lĩnh vực ngành kế hoạch và đầu tư, các thủ tục hành chính, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư,... để người dân và doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những quy định pháp luật, tiết kiệm thời gian, công sức cho việc tự tìm hiểu pháp luật. Số lượng tin bài đăng trên website từ năm 2013 đến nay là: 1.007 tin bài/ 47.012 lượt truy cập.
- Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp thông qua Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp hằng năm. Nội dung: Trả lời các vấn đề vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai,… và các cơ chế chính sách liên quan. Từ năm 2013 đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp 11 lần, khoảng 1.330 doanh nghiệp tham dự.
- Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp thông qua việc mở các lớp đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh; mở các lớp bồi dưỡng Nghiệp vụ đấu thầu cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư; công tác giám sát và đánh giá các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho cán bộ công chức một số Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Từ năm 2013 đến nay, Sở đã tổ chức mở 17 lớp/624 học viên.
- Việc tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư được thực hiện thông qua Zalo nhóm nội bộ, Hệ thống quản lý văn bản điều hành của cơ quan, website của Sở và được lãnh đạo Sở tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thông qua cuộc họp giao ban hằng tuần. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là giới thiệu một số văn bản, chỉ thị liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
- Hưởng ứng “Ngày Pháp Luật” hằng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phát động đến từng CBCCVC tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu các thông tin pháp luật liên quan đến lĩnh vực công tác chuyên môn ngành kế hoạch và đầu tư thông qua hệ thống mạng internet nhằm phục vụ tốt vai trò công tác tham mưu. Tuyên truyền, phổ biến một số nội dung cơ bản của các luật mới ban hành. Đồng thời, tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; quán triệt, phổ biến nội dung chính sách, quy định mới; tác động, hiệu ứng của chính sách, pháp luật đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; tư vấn, định hướng hỗ trợ khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo...
- Nhân ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng (9/12 hằng năm), Sở đăng khẩu hiệu với nội dung “Tích cực hưởng ứng ngày Quốc tế chống tham nhũng 9/12” trên bảng điện tử chữ chạy Led của cơ quan; đồng thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật một số nội dung về phòng, chống tham nhũng cho toàn thể cán bộ, công chức thông qua Zalo nhóm nội bộ. Hoạt động tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tham nhũng trong ngày này chủ yếu là phổ biến, giáo dục ý nghĩa, tầm quan trọng của phòng, chống tham nhũng và xây dựng đạo đức liêm chính cho toàn thể CBCCVC trong cơ quan. Ngoài ra, Sở còn lồng ghép việc tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động chuyên môn, thực thi nhiệm vụ, công vụ nhất là trong các hoạt động: kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:
- Báo cáo viên pháp luật tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật đa số đều là cán bộ, công chức kiêm nhiệm, chưa dành nhiều thời gian cho công tác này; kinh nghiệm, kỹ năng, nghiệm vụ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế.
- Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tuy có đổi mới nhưng chưa thật sự đa dạng, sáng tạo, chủ yếu là tuyên truyền miệng, đa số lồng ghép qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt thường kỳ và qua các hoạt động chuyên môn, thực thi nhiệm vụ, công vụ.
- Chế độ, chính sách cho báo cáo viên, tuyên truyền viên còn thiếu, chưa thực sự khuyến khích và phát huy được tiềm năng của đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Sự phối hợp giữa các ban, ngành trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ; chưa phát huy hiệu quả của thiết chế phối hợp trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Chưa huy động được kính phí từ các nguồn lực khác để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
Chất lượng nguồn nhân lực chưa đồng đều, chủ yếu kiêm nhiệm, tính chuyên nghiệp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa cao, chưa có sự sáng tạo, đổi mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phổ biến, giáo dục pháp luật chưa hiệu quả; một số đơn vị chưa chủ động phối hợp thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật. Kinh phí đầu tư cho công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế, chưa có chế độ bồi dưỡng cho lực lượng làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rất đặc thù nên khó thu hút, huy động các nguồn lực xã hội tham gia theo chủ trương xã hội hóa.
Một số giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL trong thời gian tới
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, lãnh đạo Sở đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị;
- Tăng cường sự phối hợp, gắn kết giữa các thành viên Hội đồng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Bố trí kinh phí công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm cho đơn vị nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị;
- Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong thời gian đến;
- Có cơ chế thu hút, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL;
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kịp thời chỉ đạo xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay.
Nguồn: Thanh tra Sở.