Tin tức - Sự kiện > Tin tổng hợp > Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tổ hợp tác – Kì vọng về khung pháp lý mới cho sự phát triển của t

Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tổ hợp tác – Kì vọng về khung pháp lý mới cho sự phát triển của tổ hợp tác

04/07/2018
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 14/5/2018 , Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định về tổ hợp tác.
Dự thảo Nghị định đưa ra một số quy định mới, khắc phục một số điểm hạn chế của Nghị định số 151/2007/NĐ-CP và hướng dẫn, quy định một số nội dung mới theo Bộ luật dân sự 2015. Dự thảo Nghị định được chia làm 8 chương, 37 điều; một số nội dung mới so với Nghị định số 151/2007/NĐ-CP như:
(1) Khái niệm cụ thể về tổ hợp tác được đưa ra tại khoản 1 Điều 3, khắc phục thiếu sót trước đây trong Nghị định số 151/2007/NĐ-CP chỉ quy định cơ sở của việc thành lập tổ hợp tác là hợp đồng hợp tác:
1. Tổ hợp tác là tổ chức kinh tế tập thể, không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 02 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện thành lập, cùng đóng góp vốn, sức lao động để thực hiện những công việc nhất định nhằm phục vụ nhu cầu chung của các thành viên, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
2. Sau khi thành lập, tổ hợp tác gửi thông báo thành lập cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi tổ hợp tác thành lập và hoạt động.
(2) Thành viên tổ hợp tác được mở rộng thêm theo quy định  mới tại Bộ luật dân sự 2015: các pháp nhân Việt Nam được quyền thành lập và tham gia tổ hợp tác. Đồng thời dự thảo quy định rộng hơn về độ tuổi của thành viên tổ hợp tác (so với Nghị định 151/2007/NĐ-CP) là từ đủ 15 tuổi trở lên vì theo quy định của Bộ luật dân sự, cá nhân từ 15 tuổi trở lên tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý (khoản 4 điều 21 Bộ luật dân sự 2015).
(3) Nội dung của hợp đồng hợp tác được hướng dẫn rõ ràng và cụ thể, làm cơ sở cho việc thành lập tổ hợp tác. Trong đó, quy định hợp đồng hợp tác phải lập bằng văn bản và một số nội dung bắt buộc phải quy định tại hợp đồng hợp tác để bảo đảm quyền lợi của các bên, một số nội dung các thành viên tổ hợp tác có thể tự thỏa thuận trên cơ sở quy định của pháp luật để bảo đảm quyền của các thành viên.
(4). Điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, thông báo thành lập và thay đổi nội dung tổ hợp tác được quy định rõ. Theo đó, dự thảo quy định tổ hợp tác được các cá nhân, pháp nhân có nhu cầu thành lập và tổ chức hoạt động. Sau khi thành lập người đại diện tổ hợp tác phải gửi thông báo thành lập, thay đổi, biến động của tổ đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ hợp tác hoạt động để cập nhật, theo dõi và quản lý.
(5). Quyền hạn, nghĩa vụ của người đại diện tổ hợp tác (tổ trưởng) được quy định. Theo đó, người đại diện của tổ hợp tác trong các giao dịch dân sự là do các thành viên ủy quyền, chỉ được thực hiện những nội dung được các thành viên thống nhất ủy quyền và không được ủy quyền cho người khác thực hiện các giao dịch dân sự của tổ hợp tác; điều này hoàn toàn khác so với Nghị định 151/2007/NĐ-CP, quy định rõ “đại diện của tổ hợp tác trong các giao dịch dân sự là tổ trưởng tổ hợp tác” và “tổ trưởng tổ hợp tác có thể ủy quyền cho thành viên ban điều hành hoặc tổ viên thực hiện một số công việc nhất định của tổ theo quy định của pháp luật về ủy quyền”
(6). Cơ chế quản lý và điều hành tổ hợp tác được quy định những nội dung cơ bản, định khung cho tổ hợp tác tổ chức và hoạt động, các nội dung cụ thể được giao cho các thành viên tổ hợp tác tự thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác. Như vậy, vừa bảo đảm tránh xung đột với các quy định của pháp luật, vừa thể hiện được quyền tự chủ, chủ động của các thành viên hợp tác.
(7). Tài sản, tài chính của tổ hợp tác được quy định cụ thể về phần đóng góp của thành viên, tài sản, tài chính của tổ hợp tác trên nguyên tắc đơn giản, rõ ràng, phù hợp với năng lực và trình độ của thành viên hợp tác.
(8). Việc chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác được quy về các trường hợp, điều kiện, trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác, xử lý các vấn đề liên quan khi chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác (tư cách thành viên, quyền và nghĩa vụ liên quan đối với nhà nước, các bên thứ ba, thành viên tổ hợp tác, v.v.)
(9) Ban hành kèm dự thảo Nghị định là các Phụ lục quy định mẫu các giấy tờ cần thiết cho thành lập, hoạt động của tổ hợp tác, bảo đảm khi Nghị định có hiệu lực thi hành thì có thể áp dụng ngay
Kì vọng rằng, nếu Nghị định mới về tổ hợp tác được Chính phủ ban hành sẽ tạo khung pháp lý thuận lợi tối đa cho tổ hợpt ác thành lập, hoạt động và phát triển, cũng như bảo đảm quyền, nghĩa vụ vủa tổ hợp tác, thành viên tổ hợp tác cũng như các bên thức ba tham gia vào hợp đồng dân sự với tổ hợp tác, tạo ra sự liên kết, hỗ trợ phát triển sản xuất giữa các thành viên trong tổ hợp tác; tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực của các hộ gia đình, đơn vị sản xuất nhỏ, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo đà cho phát triển hàng hóa quy mô lớn, tăng vị thế kinh tế, năng lực cạnh canh của kinh tế hộ như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (Nghị quyết số 13/NQ-TW) đã khẳng định kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể, với hình thức phổ biến là các tổ hợp tác và hợp tác xã, từng bước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
PHÒNG DOANH NGHIỆP KINH TẾ TẬP THỂ VÀ TƯ NHÂN


Chung nhan Tin Nhiem MangCopyright © 2012 Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Hữu Quế
Giấy phép số:04 /GP-TTĐT  của Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai, Cấp ngày 22/6/2021.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hoàng Hoa Thám, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 382-4414  /  Fax: (0269) 382-3808 - Email: skhdt@gialai.gov.vn
      Trang chủ     |   Tin tức   |   Liên hệ   |   Mobile   |   Site map