Tin tức > Giáo dục > Gia Lai: Sau 5 năm thực nghiệm giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ

Gia Lai: Sau 5 năm thực nghiệm giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ

25/09/2013
GLO)- Sau 5 năm triển khai thực nghiệm giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho 8 lớp với 148 học sinh, những thành quả bước đầu đã cho thấy đây là một hướng đi đúng đắn. Nhưng làm sao để thoát khỏi "vỏ bọc" của dự án thì vẫn là một điều trăn trở với ngành Giáo dục.
Mô hình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ được Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF hỗ trợ lần đầu tiên đưa vào thực nghiệm trên địa bàn Tây Nguyên và đã chọn tỉnh Gia Lai triển khai thí điểm từ năm học 2008-2009
Mô hình được triển khai ở 3 trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ học sinh 100% học sinh là đồng bào dân tộc Jrai. Đó là Trường Tiểu học Ngô Mây, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng ở xã Ia Der, huyện Ia Grai và trường Tiểu học Ia Phí, xã Ia Phí, huyện Chư Pah. 8 lớp học đã được chọn thí điểm áp dụng chương trình dạy học song ngữ tiếng Jrai-Kinh với 148 học sinh.

Vừa qua, nằm trong chương trình Hội thảo "Phát triển giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tỉnh tại Gia Lai", đại diện UNICEF và đại biểu đã có chuyến tham quan thực tế tại hai trường thuộc huyện Ia Grai để đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện mô hình. Tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, mô hình được áp dụng cho một lớp 4 và một lớp 5 với 48 em học sinh. Tất cả các em đều tỏ ra khá hào hứng và thích thú với những tiết học được học với chính tiếng mẹ đẻ của mình.

Ấn tượng nhất là việc các em rất tự tin đứng lên phát biểu hoặc đọc vanh vách những quyển sách giáo khoa bằng tiếng Jrai và tiếng Việt, điều hiếm thấy ở các lớp dạy đại trà. Em Puih H'Tuyết, học sinh lớp 4B vui vẻ nói: "Em rất thích đến trường, vì không chỉ học tiếng Việt, bọn em còn được học viết, học nói tiếng Jrai của mình nữa. Bố mẹ em thấy em viết được tiếng Jrai thì vui lắm nên động viên em đi học và học thật giỏi".

Thầy Puih Mlun-giáo viên giảng dạy hai lớp cũng hồ hởi: "So với học sinh các lớp đại trà, lớp học bằng song ngữ có chất lượng tốt hơn hẳn. Các em đều tỏ ra rất mạnh dạn, tự tin và tiếp thu bài vở khá nhanh. Đặc biệt là khi các em mới bắt đầu đến trường, thường thì rào cản ngôn ngữ khiến các em bỡ ngỡ nhưng khi được học bằng tiếng Jrai các em thích thú và hiểu bài hơn là những em chỉ học theo tiếng Việt".

Cô Dương Thị Thoa- Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm, nhằm tạo sự ham thích học hành cùng với giáo dục kỹ năng sống cho các em, trường đã xây dựng một nhà rông nhỏ ngay tại khuôn viên trường. Nhà rông này được sự chung tay xây dựng của những phụ huynh học sinh và đã trở thành nơi để các em sinh hoạt trong các giờ hoạt động ngoài trời. Đây cũng là không gian rất độc đáo để các em có thể tìm hiểu về những lễ hội, nhạc cụ, văn hóa truyền thống của người Jrai.

Có một nét đặc trưng của các ngôi trường triển khai mô hình song ngữ này là các em được tiếp cận với văn hóa của dân tộc mình ngay từ rất nhỏ và đã thực sự tạo ra sự thích thú. Các em đa phần đều có thể đánh cồng chiêng, hát dân ca của người Jrai, đánh đàn T'rưng rất thành thạo. Đánh giá về thành quả này, bà Nhan Thị Hằng Nga-Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết: "Đây là một cách phát huy cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ Jrai và bảo tồn, phát huy những nét văn hóa truyền thống của người Jrai một cách tự nhiên nhất. Đó cũng là một trong những mục tiêu lớn mà chúng tôi muốn hướng đến khi áp dụng mô hình song ngữ".

Về phát triển mô hình này, có những ý kiến cho rằng các em sau khi hoàn thành chương trình giáo dục song ngữ để bước vào bậc học THCS thì sẽ không nắm bắt kịp kiến thức như các em học sinh đại trà. Nhưng theo thầy Nguyễn Trọng Ngoạn- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ia Phí thì các em dành một năm lớp 1 để học tiếng Jrai, sau đó học đến lớp 3 các em đã đọc và viết rất vững tiếng Jrai thì bắt đầu giảm dần. "So với các em cùng lứa học đại trà, kiến thức của các em học song ngữ không hề thua kém mà thậm chí nắm rất vững. Vì thế nên tôi hoàn toàn tin tưởng rằng khi bước vào lớp 6, các em sẽ vẫn học rất tốt".

Mô hình thực nghiệm đã cho những tín hiệu vui, nhưng để nhân rộng nó thì vẫn là một vấn đề khá nan giải. Việc thiếu đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số để giảng dạy được cả hai thứ tiếng là một trong những khó khăn nhất của ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai. Một giáo viên tâm sự: "Để tìm được giáo viên người Jrai đã khó, nhưng tìm được giáo viên Jrai dạy theo kiểu Jrai thì còn khó hơn nữa". Theo bà Nhan Thị Hằng Nga- Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo này thì vấn đề gốc nằm ở kinh phí. Hiện tại thì mô hình vẫn đang nằm trong khuôn khổ dự án mà tổ chức UNICEF hỗ trợ nên nguồn kinh phía vẫn được "bơm" đều đặn.

Nhưng các dự án thì không thể triển khai trên diện rộng và trong một thời gian dài nên kinh phí khá nan giải. "Nếu có kinh phí thì mới có thể xây dựng lộ trình, rồi bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, trả tiền dạy buổi thứ hai cho giáo viên... Nếu muốn duy trì bền vững thì cần sự cam kết của UNICEF cũng như của chính quyền" - bà Nga nói.
Lê Văn Ngọc