Tin tức > Bảo vệ trẻ em > Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em vùng sâu

Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em vùng sâu

10/04/2019
(GLO)- Gia Lai có gần 45% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Do điều kiện kinh tế và thói quen ăn uống nên số trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi chiếm tỷ lệ cao. Để từng bước giải quyết thực trạng này, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã tài trợ thực hiện Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện giai đoạn 2017-2021 nhằm nỗ lực cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em vùng sâu.
“Tính đến tháng 3-2019, toàn tỉnh Gia Lai có 9 xã thuộc 3 huyện: Mang Yang, Kbang và Krông Pa đang triển khai các hợp phần trọng tâm của dự án, như: bảo vệ trẻ em, sự sống còn và phát triển của trẻ em, các hoạt động truyền thông về kỹ năng làm cha, mẹ và giáo dục. Cùng với sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện, dự án đã và đang đạt được những kết quả khả quan”-ông Phan Thanh Hội, cán bộ Ban Quản lý Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh, cho biết.
 Cần thay đổi nhận thức của phụ huynh
 Cùng đoàn cán bộ UNICEF Việt Nam dự buổi tập huấn nâng cao năng lực xây dựng khẩu phần ăn và thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho trẻ tại Trạm Y tế xã Ayun (huyện Mang Yang) mới đây, chúng tôi có dịp tiếp xúc với 30 bà mẹ có con 6-24 tháng tuổi ở 2 làng Ta Đum và Plei Bông. Nhìn những đứa trẻ đen nhẻm, suy dinh dưỡng, thấp còi nép mình trong lòng mẹ, các thành viên trong đoàn ai cũng ái ngại. Đáng chú ý, có cháu 10 tháng tuổi mà chỉ nặng gần 4 kg!
Vừa thực hành cách chế biến bột, cháo dinh dưỡng cho trẻ, Phó Trưởng trạm Y tế xã Ayun Nguyễn Thị Hoa vừa phân tích cho các bà mẹ về những dưỡng chất cần thiết trong mỗi bữa ăn của trẻ: “Cần 4 nhóm dinh dưỡng chính: nhóm tinh bột, nhóm dầu mỡ, nhóm vitamin và khoáng chất, nhóm đạm. Nếu không có điều kiện mua thịt, trứng, cá... thì cha mẹ có thể thay thế bằng tôm, tép, cua về cải thiện cho con”.
 Theo bà Hoa, người dân ở đây thường chỉ cho con ăn no bụng mà chưa quan tâm đến dinh dưỡng. Nhiều bà mẹ thấy con suy dinh dưỡng nhưng không hiểu rõ nguyên nhân. Sau khi tham gia các hoạt động truyền thông về dinh dưỡng của hợp phần Phát triển vì sự sống còn trẻ thơ, nhiều gia đình mới thay đổi cách chăm sóc con, bắt đầu từ những bữa ăn. Địu theo đứa con 10 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng trên lưng, chị Phô (làng Ta Đum, xã Ayun) cho hay: Khi tham gia nhóm sinh hoạt này, chị được các tình nguyện viên hướng dẫn rất rõ ràng, cụ thể về cách sử dụng các vi chất có xung quanh hay có ngay trong gia đình. “Mình cũng được tham gia thực hành bữa ăn và nhận ra chăm sóc con không khó lắm, chỉ vì trước đây mình chưa có kiến thức về dinh dưỡng. Mình còn được dự án cấp 60 gói đa vi chất bổ sung vào các bữa ăn cho con”-chị Phô kể.
 Nói về thực hành cách chế biến bột và cháo cho trẻ, chị Yen (Plei Bông, xã Ayun) tâm sự: Trong các bữa ăn của 2 con, do thiếu kiến thức chăm sóc trẻ nên chị chưa chú trọng việc đảm bảo đầy đủ các nhóm chất. Vì vậy, cả 2 cháu đều rất biếng ăn, dẫn đến bị suy dinh dưỡng. Chị Yen bộc bạch: “Sau khi tham dự tập huấn hướng dẫn cách chế biến, mình sẽ thực hành bữa ăn cho con như hướng dẫn để đảm bảo dinh dưỡng hơn. Mong là thể chất của con thay đổi, hết suy dinh dưỡng, thấp còi”.
 
Báo cáo với đoàn công tác của UNICEF, Phó Trưởng trạm Y tế xã Ayun cho biết thêm: Trước đây, tỷ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi trên địa bàn xã bị suy dinh dưỡng, thấp còi rất cao. Nguyên nhân là do khẩu phần ăn không đa dạng, trẻ ăn không đủ số bữa tối thiểu, trẻ bị cai sữa sớm, gia đình sinh nhiều con và khoảng cách sinh con ngắn… Từ năm 2017 đến nay, nhờ có dự án hướng dẫn chi tiết cách chế biến thức ăn cho trẻ từ những loại thực phẩm có sẵn tại địa phương, mỗi năm tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm 0,5%. Hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở xã còn 16,04%.
 “Vì sự sống còn và phát triển trẻ thơ”
 Theo bà Đào Thị Bình-Trưởng khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh), 1.000 ngày đầu tiên trong cuộc đời của một đứa trẻ rất quan trọng đối với sự phát triển về mặt thể chất, cảm xúc và nhận thức. Đó là 9 tháng 10 ngày mang thai, bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu và khoảng thời gian từ 6 tháng đến 24 tháng. Ở những giai đoạn này, trẻ cần được đầu tư đầy đủ về dưỡng chất để có cơ hội phát triển tốt nhất về não bộ và thể chất.
 Qua thực tế tại xã Ayun, bà Lesley Miller-Phó Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam-nhận định: “Chúng tôi thấy số trẻ em xã Ayun bị suy dinh dưỡng khá cao. Trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển trí tuệ, thể lực sau này. Do đó, trước mắt, UNICEF hỗ trợ nâng cao kỹ năng làm cha mẹ, hỗ trợ các gói đa vi chất bổ sung vào bữa ăn cho trẻ. Đồng thời, chính quyền địa phương và mỗi gia đình hãy bằng hành động cụ thể để đáp ứng tốt nhất nhu cầu dinh dưỡng nhằm đảm bảo trẻ em có sự khởi đầu tốt nhất trong cuộc đời”.
 Còn ông Friday Achilefu Nwaigwe-Trưởng chương trình Vì sự sống còn và phát triển trẻ em (UNICEF) thì cho rằng, để phòng-chống suy dinh dưỡng, thấp còi cần đẩy mạnh công tác truyền thông để không chỉ các bà mẹ mà cả các ông bố cũng chung tay chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái. “Hy vọng rằng những buổi nâng cao năng lực về dinh dưỡng cho trẻ em vùng sâu sẽ có cả những ông bố tham gia. Có vậy mới tạo nên giá trị lớn trong việc thay đổi nhận thức về dinh dưỡng, chăm sóc, nuôi dạy con cái nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất”-ông Friday chia sẻ.
  ĐINH YẾN