Quy hoạch - kế hoạch > Quy hoạch > Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thể dục thể thao tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm

Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thể dục thể thao tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

08/02/2018
Ngày 11/12/2017 UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 849/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu là tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá các hoạt động TDTT quần chúng, TDTT giải trí đáp ứng với nhu cầu hưởng thụ của nhân dân trong tỉnh, tạo điều kiện để mọi người thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học, đảm bảo phát triển con người toàn diện, làm nền tảng phát triển thể thao thành tích cao, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh trong tầng lớp thanh - thiếu niên. Tích cực phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng toàn dân.
Đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp kế cận; thống nhất quản lý phát triển thể thao thành cao, thể thao chuyên nghiệp theo hướng tiên tiến, bền vững, phù hợp với đặc điểm thể chất và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tinh thần của nhân dân trong tình hình mới.
* Các mục tiêu cụ thể như sau:
- Thể dục thể thao quần chúng:
+ Tỷ lệ người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đến năm 2025 đạt 35,44%, đến năm 2030 đạt 39,05% tổng dân số.
+ Số gia đình tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đến năm 2025 đạt 28%, đến năm 2030 đạt 31% tổng số hộ.
- Thể dục thể thao trường học:
+ Duy trì 100% số trường thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khoá.
+ Tỷ lệ học sinh tham gia luyện tập thể dục thể thao ngoại khoá thường xuyên ở các cấp học đến năm 2025 ước đạt 32,9%, định hướng đến năm 2030 đạt 38,6%.
+ Đảm bảo đầy đủ giáo viên, giảng viên thể dục thể thao ở các cấp bậc học đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang:
+ Tỷ lệ cán bộ chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực đến năm 2025 đạt 95%, định hướng đến 2030 đạt 98%.
+ Tỷ lệ cán bộ chiến sỹ tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đến năm 2025 đạt 50%, định hướng đến năm 2030 đạt 65%.
- Thể thao thành tích cao:
+ Xác định các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh để đầu tư tập trung cho các tuyến, phấn đấu Đại hội TDTT toàn quốc lần IX năm 2022 đạt vị trí tốp 3 các tỉnh Tây Nguyên, tốp 5 các tỉnh Miền núi toàn quốc và mức trung bình toàn quốc; tiếp tục xây dụng, duy trì và phát triển thường xuyên từ 8 – 10 môn thể thao trọng điểm, gồm: Bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, võ cổ truyền, vovinam, taekwondo, karatedo, whusu-kichboxing, cầu lông, quần vợt...
+ Tham gia đầy đủ và phấn đấu có thành tích tốt và thứ hạng ngày càng cao ở một số môn thể thao trọng điểm như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh và các môn võ thuật.
Để đạt được mục tiêu trên cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu, đó là:
* Giải pháp về cơ chế, chính sách.
- Xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý đất đai
+ Cơ chế về quản lý: Việc phân cấp quản lý phải rõ ràng, quản lý phải chặt chẽ về mặt đất đai, nguồn vốn chống thất thoát, trì trệ, cần phải triển khai xây dựng đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có vốn, có mặt bằng xây dựng cơ sở vật chất phục vụ vui chơi giải trí.
+ Cơ chế về giải quyết quỹ đất xây dựng: Cần được ưu tiên giải quyết quỹ đất để tạo mặt bằng cho phù hợp, kiên quyết chống lấn chiếm và thu hồi lại đất đai đã bị lấn chiếm.
- Việc xây dựng cơ sở vật chất đến cấp xã, phường, thị trấn, lưu ý từ lúc quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của từng huyện/thị xã/thành phố. Chú ý khi xây dựng các chung cư đều có nơi chơi thể thao, tối thiểu có sân bóng chuyền, sân cầu lông, các đường tập chạy trong khu vực…
- Tạo diện tích tập thể thao cho các trường học, trong quy hoạch tạo các khoảng đất trống để làm các sân tập, sân bóng chuyền, bóng đá không cần kích thước.
- Đầu tư kinh phí cho các trường học theo hướng dẫn của ngành thể thao để tạo ra cơ sở vật chất để thực hiện tốt việc giáo dục thể chất trong nhà trường.
- Căn cứ các quy định kỹ thuật TDTT mới nhất để kịp thời vận dụng vào xây dựng cơ sở vật chất phù hợp nhu cầu tập luyện và tổ chức thi đấu qui mô từ nhỏ đến lớn.
* Giải pháp về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất.
- Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia vững về tư tưởng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ.
+ Hàng năm, phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác TDTT, chú trọng đào tạo nhân lực cho phong trào TDTT vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng.
+ Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho phát triển thể thao thành tích cao, quy hoạch đào tạo lực lượng huấn luyện viên có trình độ cao ở một số môn thể thao mũi nhọn, chú trọng công tác dạy văn hóa và giáo dục đạo đức cho vận động viên.
+ Đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các cơ sở hiện có; trang bị các điều kiện thiết bị dụng cụ hiện đại đảm bảo tập luyện, tổ chức thi đấu.
+ Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, củng cố cơ sở vật chất cho công trình TDTT ở các huyện, thị, thành phố, ở các xã, phường, thị trấn, khu dân cư và trường học các cấp trên địa bàn toàn tỉnh.
+ Đầu tư kinh phí, sân tập cho học sinh ở các trường còn thiếu, chưa đảm chất lượng để đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tuyển thêm giáo viên giáo dục thể chất còn thiếu so với nhu cầu hiện có.
+ Tiếp tục xây dựng quy hoạch quỹ đất dành cho TDTT ở  xã, phường, thị trấn và trường học các cấp theo Chỉ thị 274/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/7/1999 và công văn số 2111/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngày 17/6/2005 về quy hoạch sử dụng đất dành cho lĩnh vực TDTT.
* Giải pháp về vốn.
- Đẩy mạnh công tác xã hội hoá, huy động nguồn lực của toàn xã hội, kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội vào các dự án TDTT như sân vận động, nhà tập luyện - thi đấu TDTT, bể bơi, công viên thể thao... 
- Nguồn kinh phí tự cân đối được sử dụng từ khoản thu trong các hoạt động của ngành chiếm tỷ lệ 15 - 20 % so với kinh phí do ngân sách cấp (không kể tài trợ và nguồn chi của đội bóng chuyên nghiệp).
- Lập kế hoạch và thực hiện kinh phí cấp theo chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thời kỳ tập huấn và thi đấu, mời huấn luyện viên chuyên gia trong và ngoài nước.
* Giải pháp về đẩy mạnh xã hội hóa thể dục thể thao.
Tạo cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tài chính khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao phát triển bền vững.
Tăng cường xã hội hóa TDTT quần chúng
- Nghiên cứu cải tiến hệ thống thi đấu TDTT quần chúng theo hướng tạo điều kiện để các ngành, các tổ chức xã hội, đơn vị kinh tế ... đảm nhận công tác tổ chức, ngành TDTT hỗ trợ công tác chuyên môn. Đa dạng hoá các hình thức thi đấu phong trào theo đối tượng, môn thể thao, lứa tuổi, quy mô....
- Khuyến khích các cộng đồng dân cư tự xây dựng các CLB, đội thể thao. Đến năm 2020, đưa tỷ lệ phát triển CLB, cơ sở dịch vụ tập luyện theo chỉ số 10% vào chỉ tiêu thi đua hàng năm đối với các huyện/thị xã/thành phố trong tỉnh.
- Tăng cường công tác liên tịch với các ngành để đẩy mạnh và nâng cao phong trào thể thao trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội.
- Tiếp tục khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia hoạt động và phát triển TDTT; tạo cơ hội cho mọi người, mọi lứa tuổi trong hoàn cảnh kinh tế khác nhau được tập luyện.
- Phát triển đa dạng hoá các hình thức tổ chức hoạt động, các loại hình tập luyện, đặc biệt chú trọng kết hợp TDTT với các lễ hội, các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch dã ngoại, du lịch sinh thái lâm viên Biển hồ... phát triển mạnh các môn thể thao mạo hiểm và thể thao giải trí.
- Củng cố và tiếp tục cải tiến hệ thống thi đấu TDTT quần chúng từ cơ sở đến cấp tỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, các tổ chức xã hội, đơn vị kinh tế tổ chức và tham gia vào các hoạt động TDTT. Ngành TDTT chuyển giao từng bước công tác tổ chức và công tác nghiệp vụ chuyên môn.
Đẩy mạnh XHH thể thao thành tích cao.
-  Xây dựng các quy định ưu đãi đối với tài năng thể thao của tỉnh. Có chế độ đãi ngộ, động viên các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội có công phát hiện và đào tạo VĐV tham gia các giải đấu thể thao đỉnh cao. Hoàn thiện hệ thống cơ chế tài chính đối với đội ngũ HLV - VĐV - trọng tài.
- Từng bước đổi mới phương thức tổ chức điều hành các hoạt động thi đấu và tham dự các giải thể thao đỉnh cao theo hướng chuyển dần cho các hội, CLB đảm trách. Ngành TDTT chỉ hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách và các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ; đồng thời phải tập trung vào việc quy hoạch mạng lưới đào tạo; xây dựng và quản lý kế hoạch đào tạo; giao kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo, chỉ tiêu chuyên môn cho các Liên đoàn, Hội, CLB thể thao khi có đủ điều kiện.
- Tăng cường công tác vận động, tạo sự hấp dẫn qua tổ chức thi đấu để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tài trợ các giải thể thao và đầu tư xây dựng các công trình có quy mô tổ chức giải thi đấu quốc gia, quốc tế. Phát triển mô hình doanh nghiệp tài trợ toàn bộ hoạt động cho các giải thể thao hàng năm.
- Khuyến khích thành lập các quỹ tài trợ, quỹ bảo trợ tài năng thể thao, quỹ phát triển phong trào thể thao từng môn, câu lạc bộ cổ động viên theo quy định hiện hành của nhà nước.
- Thành lập các đơn vị hoặc ban có tính chất chuyên nghiệp để vận động, tăng sự hấp dẫn của các dạng “hàng hoá” TDTT nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tài trợ các giải thể thao và đầu tư xây dựng các công trình có quy mô tổ chức giải thi đấu quốc gia, quốc tế. Duy trì và phát triển mô hình doanh nghiệp tài trợ toàn bộ hoạt động cho các giải thể thao hàng năm.
          Phát triển các tổ chức xã hội về TDTT.
- Trên cơ sở quy định chung của pháp luật, hoàn thiện quy trình thủ tục về thành lập, giải thể, sát nhập, chuyển đổi, quản lý ... đối với các tổ chức xã hội về TDTT trên địa bàn tỉnh.
- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các Hội, Liên đoàn thể thao đã được thành lập theo hướng tăng cường sử dụng những người có năng lực chuyên môn, uy tín công tác làm nòng cốt, giảm bớt sự tham gia của quan chức nhà nước vào Ban chấp hành các Hội, Liên đoàn.
- Từng bước hình thành Liên đoàn, Hiệp hội ở các môn thể thao trọng điểm và truyền thống như Điền Kinh, Võ thuật... khuyến khích thành lập CLB từng môn thể thao trong các cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư. Từng bước phân định chức năng quản lý điều hành giữa bộ môn của quản lý nhà nước với hoạt động của tổ chức xã hội ở từng môn.
- Chuyển giao từng bước các công việc về tổ chức thi đấu, quản lý hệ thống thi đấu từng môn cho các Liên đoàn, Hiệp hội tự đảm đương thực hiện khi có đủ điều kiện, kể cả công tác tuyển chọn, đào tạo đội tuyển tham dự các giải thi đấu khu vực và toàn quốc.
- Chuyển giao phần lớn các công việc về tổ chức thi đấu, quản lý hệ thống thi đấu từng môn cho các Liên đoàn, Hiệp hội tự đảm đương thực hiện khi có đủ điều kiện, kể cả công tác tuyển chọn, đào tạo đội tuyển tham dự các giải thi đấu khu vực và toàn quốc.
- Xúc tiến việc thành lập Hiệp hội hoặc Liên đoàn cấp tỉnh của các môn thể thao theo điều kiện và khả năng phát triển của từng môn.
* Giải pháp thực hiện mục tiêu và phương án phát triển thể dục thể thao cho mọi người.
Phát triển thể thao quần chúng.
- Thực hiện Luật Thể dục, thể thao và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; xây dựng chương trình phát triển từng nội dung (nằm trong chương trình phát triển TDTT cơ sở).
- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp đối với phong trào TDTT của tỉnh.
- Kế hoạch hóa công tác TDTT cho mọi người và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch hàng năm.
- Đa dạng hóa các hình thức, nội dung, phương pháp tập luyện TDTT; đưa ra nhiều hình thức, nội dung tập luyện, thi đấu đơn giản, phổ cập, hấp dẫn, phù hợp với điều kiện của tỉnh để lôi cuốn mọi người tham gia tập luyện.
- Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên TDTT và hướng dẫn viên cơ sở:
+ Ở mỗi phường/xã/thị trấn cần phải có đội ngũ hướng dẫn viên được bồi dưỡng về nghiệp vụ để tổ chức hoạt động TDTT ở cơ sở. Trường học phải đủ giáo viên thể dục để thực hiện chương trình giáo dục thể chất .
+ Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý có hiệu quả đội ngũ cán bộ TDTT các cấp trong tỉnh, kể cả cán bộ nghiệp dư, cán bộ hợp đồng, giáo viên kiêm nhiệm...
+ Phát triển đội ngũ hướng dẫn viên, huấn luyện viên các môn thể thao cho phong trào TDTT quần chúng.
Phát triển giáo dục thể chất và thể thao trong trường học.
- Thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất trong các trường học các cấp theo đúng quy định mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.
- Tổ chức thực hiện tăng nhanh số trường học có tổ chức giờ tập TDTT ngoại khóa, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng buổi tập. Đặc biệt chú trọng ở các trường THCS và tiểu học.
- Chú trọng phát triển các hoạt động tập luyện và thi đấu TDTT ngoại khóa thường xuyên một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn các trường. Coi trọng các loại hình vận động vừa sức với học sinh.
- Cải tiến hệ thống thi đấu thể thao trong trường học, Hội khỏe Phù đổng các cấp cho phù hợp với nhu cầu và xu thế phát triển của đất nước; đảm bảo thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên chuyên trách TDTT ở các cơ sở giáo dục.
- Từng bước củng cố, hoàn thiện hệ thống các công trình TDTT ở các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo phát huy hết hiệu quả sử dụng của các công trình, đẩy mạnh công tác xã hội hóa khi đầu tư các công trình TDTT trong các trường học. Tranh thủ tận dụng cơ sở vật chất của các trung tâm thể thao huyện/thị xã/thành phố. Từng bước tiến tới tiêu chuẩn hóa các công trình thể thao trong trường học, xây dựng sân bãi tập luyện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Ban hành văn bản về các chế độ, chính sách thích hợp để đảm bảo có các trường chuẩn về TDTT, có đầy đủ giáo viên chuyên trách, cơ sở vật chất tối thiểu cho TDTT trường học.
Phát triển thể thao thành tích cao.
- Xây dựng kế hoạch, các tiêu chuẩn tuyển chọn về chuyên môn cho từng môn ở từng tuyến; trên cơ sở đó tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo để đào thải  những vận động viên không có khả năng phát triển. Trong giai đoạn tới phải xây dựng chương trình đào tạo từ nghiệp dư đến đội tuyển;
          - Tập trung đào tạo bồi dưỡng huấn luyện viên trong giai đoạn tới là hết sức quan trọng: Hàng năm gửi đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT, các Liên đoàn, Hiệp hội Trung ương tổ chức, đồng thời phối hợp mời một số chuyên gia thể thao về để tổ chức bồi dưỡng huấn luyện viên tại tỉnh. Có chế độ "chiêu hiền đãi sỹ'', chính sách ưu đãi và tạo mọi điều kiện đối với huấn luyện viên, vận động viên ngoài tỉnh huấn luyện, tham gia thi đấu cho tỉnh nhà;
          - Xây dựng lực lượng trọng tài các môn thể thao tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, cập nhật luật mới và truyền đạt cho các huấn luyện viên và vận động viên nắm bắt kịp thời để thi đấu đúng luật và đạt kết quả;
          - Tăng cường công tác nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ trong công tác huấn luyện nâng cao thành tích; đảm bảo điều kiện trang thiết bị và điều kiện khác phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo các đội tuyển năng khiếu (chế độ dinh dưỡng, y học thể thao, chăm sóc chữa trị vết thương...);
- Từng bước hiện đại hóa hệ thống đào tạo tài năng thể thao của tỉnh. Lựa chọn phân nhóm các môn thể thao trọng điểm để có kế hoạch đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong quá trình đào tạo vận động viện. Đổi mới công tác tuyển chọn, huấn luyện thể thao theo hướng khoa học và hiện đại; cải tiến các chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài. Coi nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ là khâu đầu tiên nhằm tạo ra những bước đột phá để nâng cao thành tích thể thao tỉnh nhà;
          - Hoàn thiện cơ chế tổ chức, điều hành theo mô hình chuyên nghiệp trong môn bóng đá và các môn khác có đủ điều kiện; khuyến khích mở các lớp đào tạo tài năng trẻ thể thao ngoài công lập và các mô hình liên doanh, liên kết đào tạo vận đông viên, các hình thức tài trợ, đỡ đầu đối với các đội tuyển thể thao;
          - Từng bước hình thành thị trường dịch vụ TDTT, thị trường quảng cáo, tiếp thị thể thao. Khuyến khích việc lập các quỹ hỗ trợ đào tạo tài năng thể thao, quỹ đầu tư phát triển TDTT theo qui định của pháp luật;
          - Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, ý thức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, trình độ văn hóa đối với đội ngũ các cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, đặc biệt là vận động viên năng khiếu và đội tuyển;
          - Từng bước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ thể dục thể thao  thích hợp theo từng giai đoạn nhằm đáp ứng các phương tiện kỹ thuật hiện đại đảm bảo cho việc luyện tập và thi đấu;
          - Gửi vận động viên xuất sắc của tỉnh tập huấn dài hạn tại các trung tâm thể thao lớn trong nước để được kết hợp với hệ thống bài bản trong huấn luyện và thường xuyên cọ xát đỉnh cao.
* Giải pháp phát triển thể thao giải trí.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên ngành thể thao giải trí cho các đơn vị kinh doanh du lịch, các cơ sở dịch vụ thể thao có tính chất du lịch.
- Phối hợp các đơn vị kinh doanh du lịch nhằm nâng cao chất lượng phong trào TDTT cũng như chất lượng phục vụ du lịch, khuyến khích các đơn vị kinh doanh du lịch duy trì các môn thể thao hiện có, khai thác các môn có tiềm năng.
- Phối hợp tổ chức giải thi đấu thể thao cho khách du lịch theo mùa du lịch, phấn đấu duy trì phát triển đưa các giải này vào hệ thống thi đấu của phong trào thể dục thể thao quần chúng.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức các giải thi đấu thể thao chú trọng các điểm và các đơn vị kinh doanh du lịch đã có những môn thể thao đang hoạt động hoặc có địa hình thích hợp với những môn thể thao.
- Xây dựng và ổn định một số CLB thể thao tại các điểm du lịch; kết hợp các mục tiêu, định hướng phát triển thể thao và du lịch nhằm tạo cơ hội cho người dân và khách du lịch tham gia các hoạt động thể thao giải trí.
- Xây dựng quy chế quản lý và hướng dẫn các nội dung hoạt động của CLB thể thao giải trí.
- Yêu cầu tại các điểm du lịch bảo đảm cơ sở vật chất TDTT đáp ứng tiêu chuẩn hoạt động thể thao giải trí.
- Tận dụng cơ sở vật chất đã có do thiên nhiên tạo ra và những cái đã làm để khai thác triệt để CSVC phục vụ cho phát triển thể thao giải trí gắn với du lịch.
- Khuyến khích huy động các nguồn lực của nhân dân và xã hội hỗ trợ, đầu tư vào lĩnh vực thể thao giải trí và dịch vụ.

Chi tiết nội dung Quyết định số 849/QĐ-UBND xem tại đây./.


Chung nhan Tin Nhiem MangCopyright © 2012 Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Hữu Quế
Giấy phép số:04 /GP-TTĐT  của Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai, Cấp ngày 22/6/2021.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hoàng Hoa Thám, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 382-4414  /  Fax: (0269) 382-3808 - Email: skhdt@gialai.gov.vn
      Trang chủ     |   Tin tức   |   Liên hệ   |   Mobile   |   Site map