Xúc tiến đầu tư > Tăng cường hiệu quả quản lý và sử dụng vốn ODA trong thời gian tới

Tăng cường hiệu quả quản lý và sử dụng vốn ODA trong thời gian tới

06/07/2017
      Nước ta đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp từ năm 2010. Mức độ ưu đãi các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam giảm rõ rệt. Từ tháng 7/2017,  Việt Nam không còn được vay vốn WB theo điều kiện ODA, sau đó sẽ đến các đối tác phát triển khác; Việt Nam phải chuyển sang sử dụng chủ yếu là nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay toàn bộ theo điều kiện thị trường. Do đó, các dự án sử dụng vốn vay thường phải chịu nhiều điều kiện ràng buộc, với suất đầu tư cao hơn so với đầu tư từ nguồn vốn trong nước. Vì vậy, việc lựa chọn dự án phải cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ vay vốn các dự án thực sự hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn để trả nợ. Định hướng chung đối với vốn vay ODA sẽ ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án cơ sở hạ tầng thuộc nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, có tác động lan toả, nhưng không có khả năng thu hồi vốn và mang lại giá trị gia tăng mới; những dự án đầu tư thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, bao gồm cả dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); các khoản vay này phải chuẩn bị, thẩm định chặt chẽ về sự cần thiết, hiệu quả kinh tế - xã hội, hiệu quả tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án.
     Để giải quyết những vấn đề đang đặt ra hiện nay đối với việc quản lý, sử dụng các khoản vay nước ngoài, Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo được kỳ vọng sẽ giúp quản lý và sử dụng vốn ODA hiệu quả; Cụ thể:
     - Ngày 17/2/2016, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016 - 2020”. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi trên cơ sở phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực quản lý và tính chủ động của các ngành, các cấp; bảo đảm sự phối hợp quản lý, kiểm tra và giám sát chặt chẽ của các cơ quan liên quan. Việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi phải được xem xét, cân đối và lựa chọn trong tổng thể các nguồn vốn đầu tư phát triển, phải bám sát các mục tiêu của chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn và Kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016 - 2020, đảm bảo các chỉ số nợ công, nợ chính phủ và mức bội chi ngân sách nhà nước trong giới hạn cho phép…
     - Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (thay thế Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ) theo hướng chặt chẽ. Theo đó, kể từ ngày 02/5/2016, các lĩnh vực được ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Hỗ trợ thực hiện chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường thể chế quản lý nhà nước; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; Sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP); Lĩnh vực ưu tiên khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với: i) Các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; ii) Chương trình, dự án, phi dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại trong các trường hợp sau: Chương trình, dự án đầu tư nhóm A và nhóm B; chương trình, dự án, phi dự án kèm theo khung chính sách; chương trình, dự án, phi dự án trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo; chương trình tiếp cận theo ngành; dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị chương trình, dự án vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; dự án hỗ trợ kỹ thuật có quy mô vốn tài trợ tương đương từ 2 triệu USD trở lên; viện trợ mua sắm các loại hàng hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép; sự tham gia của Việt Nam vào chương trình, dự án khu vực; iii) Hỗ trợ ngân sách. Trong khi đó, đối với các chương trình, dự án, phi dự án không thuộc quy định trên thì người đứng đầu cơ quan chủ quản quyết định chủ trương đầu tư.
     - Gần đây nhất, ngày 28/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2017/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nghị định số 52/2017/NĐ-CP  sẽ nâng cao tính chủ động của địa phương trong quản lý thực hiện dự án và góp phần quản lý hiệu quả nợ của địa phương; là công cụ để phân bổ nguồn lực, ưu tiên sử dụng nguồn ODA cho các địa phương khó khăn; xây dựng và nâng cao năng lực quản lý nợ của địa phương để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo khi Việt Nam không còn tiếp cận được với nguồn vốn vay ODA và chuyển sang vay theo điều kiện thị trường.
                                                          Nguồn: Phòng Kinh tế đối ngoại


Chung nhan Tin Nhiem MangCopyright © 2012 Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Hữu Quế
Giấy phép số:04 /GP-TTĐT  của Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai, Cấp ngày 22/6/2021.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hoàng Hoa Thám, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 382-4414  /  Fax: (0269) 382-3808 - Email: skhdt@gialai.gov.vn
      Trang chủ     |   Tin tức   |   Liên hệ   |   Mobile   |   Site map