Công tác hỗ trợ DNNVV > Thông tin khác > Lãnh đạo tỉnh Gia Lai ký cam kết với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam về việc tạo lập môi tr

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai ký cam kết với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp

24/08/2016


       Triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Sáng ngày 24 tháng 8 năm 2016, tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Ngọc Thành- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai và đồng chí Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã ký bản cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, với các nội dung cam kết chủ yếu như sau:
         I. CAM KẾT CỦA UBND TỈNH GIA LAI TRONG THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH
1.Các cam kết cơ bản(theo nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 35):
- Tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn.
- Thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp.
- Chỉ đạo và chịu trách nhiệm đẩy mạnh triển khai có hiệu quả việc thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Rà soát, thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ. Thông báo phải nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung và lý do của việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
- Quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của công chức, viên chức trong phạm vi quản lý.
        - Đôn đốc các cơ quan trực thuộc nghiêm túc thực hiện quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, đăng ký kinh doanh, đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
         - Rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
         - Xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế.
- Tiếp tục thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Chú trọng hình thành và phát triển vùng nguyên liệu tập trung, tạo thuận lợi cho xây dựng cơ sở chế biến; thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất trên các diện tích đất trống.
- Đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, bao gồm cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả theo cơ chế thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xã hội phát triển.
- Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh: Đào tạo, tư vấn, thông tin, thị trường...
- Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.
- Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Pleiku không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
2. Các cam kết khác:
1.     Đơn giản hóa thủ tục hành chính:
Cam kết thực hiện cải cách mạnh mẽ, đơn giản hóa về quy trình, phương thức, thời gian thực hiện, bãi bỏ các TTHC không còn phù hợp, phấn đấu sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016, cụ thể như sau:
a. Thời gian đăng ký kinh doanh tối đa là 03 ngày, phấn đấu đầu năm 2017 chỉ còn 02 ngày; Đến năm 2020 khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu.
b. Thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp đến năm 2017 dưới 32 ngày; đến năm 2020 dưới 30 ngày;
c. Năm 2017 thời gian nộp thuế 110 giờ/năm và bảo hiểm xã hội tối đa 49 giờ/năm; đến năm 2020 thời gian nộp thuế 110 giờ/năm và bảo hiểm xã hội tối đa 45 giờ/năm.
d. Tỷ lệ doanh nghiệp kê khai nộp thuế điện tử đạt trên 95%;
e. Công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, đảm bảo tối thiểu 90% đối tượng được hoàn thuế đúng thời gian quy định;
g. Rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan đến năm 2017 tối đa không quá 67 ngày; đến năm 2020 tối đa không quá 60 ngày (bao gồm cả thủ tục phê duyệt thiết kế xây dựng công trình, kết nối cấp thoát nước, nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng, đăng ký tài sản sau khi hoàn công …).
h. Thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản, bổ sung tài sản gắn liền với đất trong năm 2017 không quá 14 ngày và  dưới 10 ngày trong năm 2020.
i. Giảm thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới:
+ Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đơn giản: Năm 2017 tối đa 05 giờ; Năm 2020 dưới 05 giờ.
+ Đối với hàng hóa phức tạp: Năm 2020 dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.
k. Đảm bảo hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ TTHC.
l. Công khai, minh bạch tất cả các thông tin và hướng dẫn thực hiện chính sách, quy định, quy trình và tên, chức danh, số điện thoại người chịu trách nhiệm giải quyết các thủ tục hành chính công.
m. Rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng đến năm 2017 còn tối đa 200 ngày; đến năm 2020 còn dưới 180 ngày.
n. Rút ngắn thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp năm 2017 còn 24 tháng; đến năm 2020 dưới 20 tháng.
2. Tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp ở các cấp khác nhau (UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương cấp huyện phải đảm bảo từng đơn vị đạt ít nhất 02 lần/năm); tạo thuận lợi để doanh nghiệp có thể tham gia góp ý về các quy định, chính sách của tỉnh; đảm bảo 100% các văn bản quy định về cơ chế, chính sách do tỉnh ban hành đều được lấy ý kiến tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
3. Tăng cường công khai, minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng; cam kết 100% thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và kinh doanh, các quy định, chính sách, quy hoạch của tỉnh và địa phương được công khai tại Trung tâm hành chính công các cấp và trên website của các đơn vị, địa phương.
4. Phát huy hiệu quả của chính quyền điện tử, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính qua mạng; cắt giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.
5. Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bằng những giải pháp thiết thực hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua cung ứng, phát triển các dịch vụ tư nhân như: thông tin tiếp cận thị trường, tư vấn pháp lý, khoa học công nghệ…
6. Các Cam kết trên sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ, phối hợp và giám sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ của tỉnh và các doanh nghiệp tại địa phương. 
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cử đơn vị đầu mối trực thuộc cơ quan mình để phối hợp, thực hiện cam kết này:
- Về phía Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh và phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
- Về phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Giao Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng là đơn vị đầu mối trực tiếp hỗ trợ, phối hợp và giám sát triển khai bản cam kết này.
Đơn vị đầu mối của hai bên có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hàng năm, đề xuất các giải pháp cụ thể và hướng dẫn triển khai thực hiện từng nội dung cam kết gồm thời gian, địa điểm, phân công trách nhiệm, ngân sách hoạt động, chế độ báo cáo, các kiến nghị đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
2. Thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ và nội dung thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh được giao tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Các nội dung cam kết, thời điểm triển khai cụ thể sẽ được căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế của tỉnh để triển khai đảm bảo hiệu quả.
3. Hàng năm lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ gặp gỡ trao đổi, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất bổ sung nhằm tăng cường tính hiệu quả của bản cam kết này.
Cam kết này có thể được bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế bằng văn bản có chữ ký của đại diện có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

 
Nguồn: PHÒNG DN-KTTT&TN


Chung nhan Tin Nhiem MangCopyright © 2012 Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Hữu Quế
Giấy phép số:04 /GP-TTĐT  của Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai, Cấp ngày 22/6/2021.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hoàng Hoa Thám, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 382-4414  /  Fax: (0269) 382-3808 - Email: skhdt@gialai.gov.vn
      Trang chủ     |   Tin tức   |   Liên hệ   |   Mobile   |   Site map