Tin tức - Sự kiện > Tin tổng hợp > Tổng hợp trả lời kiến nghị của doanh nghiệp tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp năm 2018

Tổng hợp trả lời kiến nghị của doanh nghiệp tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp năm 2018

26/02/2019
Câu hỏi 1: Công ty CP Quốc tế Trường Sinh hỏi về vấn đề tiếp cận nguồn vốn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngân hàng nhà nước trả lời: Thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam và UBND tỉnh về việc triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 của Thủ thướng Chính phủ (Công văn số 6627/NHNN-TD ngày 04/9/2018 của NHNN Việt Nam và Công văn số 2586/VP-KTTH ngày 10/9/2018 của UBND tỉnh), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai đã ban hành Công văn số 754/GLA-THNS&KSNB ngày 17/9/2018 yêu cầu Giám đốc các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh: i) Mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung nguồn vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực ưu tiên, trong đó có các DNNVV; tích cực triển khai các chương trình tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam; chủ động tham gia Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, trực tiếp làm việc với khách hàng vay vốn để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn trong quan hệ  tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; ii) Đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; tăng cường minh bạch hóa thông tin tín dụng, công bố công khai các thông tin về quy trình, thủ tục hồ sơ, thời gian cung cấp dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận chính sách, cơ chế, sản phẩm dịch vụ ngân hàng; iii) Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh cung cấp các thông tin về các chương trình, gói sản phẩm tín dụng cho các DNNVV, giúp cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; iv) Tích cực triển khai các chương trình, gói tín dụng áp dụng đối với các DNNVV theo chỉ đạo của Hội sở chính.
Câu hỏi 2: Công ty CP Quốc tế Trường Sinh kiến nghị vấn đề thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp với số lần thanh tra kiểm tra đến 04 lần/năm.
Thanh tra tỉnh trả lời: Theo văn bản số 61/TTr-GS ngày 18/02/2019 của Thanh tra tỉnh: Trong năm 2018 Công ty ty CP Quốc tế Trường Sinh đã tiếp 06 đoàn kiểm tra, bao gồm:
UBND huyện Chư Pah
Chi cục thuế thành phố Pleiku
Công an PCCC tỉnh (02 lần)
Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh
Bảo hiểm xã hội tỉnh
Theo đó, tất cả các cuộc kiểm tra, thanh tra đều có Thông báo, Quyết định và Biên bản làm việc. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm đề xuất UBND tỉnh kiến nghị của doanh nghiệp: UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị lập kế hoạch phối hợp  kiểm tra doanh nghiệp trong 1lần và kế hoạch phải được UBND tỉnh phê duyệt.
Câu hỏi 3: Công ty CP Quốc tế Trường Sinh có dự án tại KCN Trà Đa quy định về việc Thuế yêu cầu đóng thuế tài nguyên trên mảnh đất đó có đúng không?
Cục Thuế tỉnh trả lời: Ngày 30/6/2018, Công ty CP Quốc tế Trường Sinh có Công văn số 55/TS-2018gửi Chi cục thuế thành phố Pleiku về việc tính thuế, phí bảo vệ môi trường tại cụm nhà máy KCN Trà Đa và đã được Chi cục Thuế trả lời bằng Công văn số 557/CCT-TTHT ngày 09/7/2018 về việc tính thuế, phí bảo vệ môi trường, cụ thể như sau :
1.     Về thuế bảo vệ môi trường:
Tại Điều 1 Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế Bảo vệ môi trường:
“Đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật thuế Bảo vệ môi trường và Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/08/2011 của Chính phủ được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Xăng, dầu, mỡ nhờn, bao gồm:
1.1. Xăng, trừ etanol;
1.2. Nhiên liệu bay;

2. Than đá bao gồm:
2.1. Than nâu;
2.2. Than an-tra-xít (antraxit);
….
3. Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC) là nhóm chất gây suy giảm tầng ô dôn dùng làm môi chất lạnh sử dụng trong thiết bị làm lạnh và trong công nghiệp bán dẫn, được sản xuất trong nước, nhập khẩu riêng hoặc chứa trong các thiết bị điện lạnh nhập khẩu.
4. Túi ni lông thuộc diện chịu thuế (túi nhựa xốp) là loại túi, bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn HDPE (high density polyethylene resin), LDPE (Low density polyethylen) hoặc LLDPE (Linear low density polyethylen resin), trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hoá và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
5. Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng.
6. Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.
7. Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng.
8. Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng…”
Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 152/2011/TT-BTC về người nộp thuế:
“1. Người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 1 của Thông tư này”
2.     Về phí bảo vệ môi trường:
Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định về đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường:
“2. Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định này là hoạt động khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại”
Tại Điều 2 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP quy định về đối tượng áp dụng:
“Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản…”
Theo quy định tại điểm 10, mục II Biểu khung mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản ban hành kèm theo Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ thì Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình phải kê khai nộp phí bảo vệ môi trường. Mức thu là 1.500đồng/m3 (Theo Quyết định số 416/QĐ-UBND ngày 26/5/2017 của UBND tỉnh Gia Lai vê việc quy định tàm thời mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai)
3.     Về thuế tài nguyên:
Tại khoản 3, Điều 3, Thông tư số 152 /2015/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn hướng dẫn về thuế tài nguyên:
“3. Tổ chức, cá nhân nhận thầu thi công công trình  trong quá trình thi công có phát sinh sản lượng tài nguyên mà được phép của cơ quan quản lý nhà nước hoặc không trái quy định của pháp luật về quản lý khai thác tài nguyên khi thực hiện khai thác sử dụng hoặc tiêu thụ thì phải khai, nộp thuế tài nguyên với cơ quan thuế địa phương nơi phát sinh tài nguyên khai thác”
Tại điểm 1, mục II Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên ban hành kèm theo Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13 ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình có thuế suất 7%
Tại Phụ lục II Bảng giá tính thuế tài nguyên đối với khoáng sản không kim loại ban hành kèm theo Quyết định số 27/2017QĐ-UBND ngày 23 tháng 8 năm 2013 của UBND tỉnh Gia Lai thì giá tính thuế tài nguyên đối với Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình là 50.000đồng/m3
4.     Về kê khai nộp thuế:
Tại Điều 6 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP quy định về kê khai, nộp phí
1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp cùng nơi kê khai nộp thuế tài nguyên. Trường hợp trong tháng không phát sinh phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, người nộp phí vẫn phải kê khai và nộp tờ khai nộp phí với cơ quan Thuế. Trường hợp tổ chức thu mua gom khoáng sản phải đăng ký nộp thay người khai thác thì tổ chức đó có trách nhiệm nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan thuế quản lý cơ sở thu mua khoáng sản. Thời hạn kê khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan thuế chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo.
2. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là loại khai theo tháng và quyết toán năm. Khai quyết toán phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản bao gồm khai quyết toán năm và khai quyết toán đến thời điểm chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản, chấm dứt hoạt động thu mua gom khoáng sản, chấm dứt hoạt động kinh doanh, chấm dứt hợp đồng chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp hoặc tổ chức lại doanh nghiệp”
Đối chiếu với các quy định nêu trên, việc san lấp mặt bằng trong quá trình thi công cum nhà máy chế biến dược liệu, thực phẩm của Công ty nếu có sử dụng đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình thì phải kê khai nộp phí bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên.
Câu hỏi 4: Công ty xăng dầu bắc Tây nguyên kiến nghị Xử lý nghiêm các hoạt động gian lận thương mại, xăng dầu không rõ nguồn gốc.
Sở Công thương trả lời: Theo ý kiến của Sở Công thương tại văn bản số 199/SCT-TTS ngày 19/02/2019 Sở Công Thương Gia Lai thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu với nội dung: Kiểm tra việc thực hiện các quy định về kinh doanh xăng dầu và điều kiện kinh doanh xăng dầu theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN 01:2013/BCT) về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu ban hành kèm theo Thông tư số 11/2013/TT-BCT ngày 18/6/2013.
Đối với việc chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ…là thuộc chức năng, nhiệm vụ  của Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai.
Câu hỏi 5: Hợp tác xã nông nghiệp Chư A Thai – Phú Thiện: đề nghị giải đáp khó khăn trong vấn đề liên kết, vốn đầu tư, vốn sản xuất kinh doanh.
Thông tin về cơ chế, chính sách tín dụng, các chương trình, gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của ngành Ngân hàng được đăng tải tại Cổng thông tin điện tử của NHNN Việt Nam (mục Thông cáo báo chí) gồm 02 Phụ lục:
Phụ lục 1: Tổng hợp các Chính sách, Chương trình, sản phẩm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (kèm theo).
Phụ lục 2: Tổng hợp các Chương trình, sản phẩm tín dụng đang triển khai đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các tổ chức tín dụng (kèm theo).
Câu hỏi 6: Hợp tác xã nông nghiệp Chư A Thai – Phú Thiện: khó khăn trong việc tìm quỹ đất xây dựng nhà kho sân phơi, một số HTX được giao đất cũng không được cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời:
1. Nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất:
Điều kiện giao đất, cho thuê đất theo quy định Khoản 3 Điều 58 của Luật Đất đai; Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai năm 2013. Hợp tác xã nông nghiệp Chư A Thai – Phú Thiện làm việc với UBND huyện Phú Thiện căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất giới thiệu quỹ đất đầu tư.
2. Đối với một số Hợp tác xã  được giao đất cũng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Đề nghị các Đơn vị được giao đất liên hệ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh để hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.
Nội dung đề nghị của Hợp tác xã nông nghiệp Chư A Thai Phú Thiện, Sở Tài nguyên đã phúc đáp tại Văn bản số 1973/STNMT-QHĐĐ ngày 16/8/2017.
Câu hỏi 7: Công ty TNHH MTV Tiến Minh Gia Lai hỏi về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cục Thuế tỉnh trả lời: Vấn đề này Cục Thuế tỉnh Gia Lai đã nhiều lần có công văn xin ý kiến của Tổng cục Thuế, cụ thể là Công văn số 507/CT-KTT ngày 27/4/2018 và công văn số 314/CT-KTT ngày 20/3/2018. Ngày 10/8/2018, Cục Thuế có Công văn số 1014/CT-KTT (lần 3) gửi Tổng cục Thuế nhắc lại nội dung vướng mắc về chính sách thuế và đến ngày 18/02/2019, Cục Thuế đã nhận được Công văn số 475/TCT-CS ngày 13/02/2019 của Tổng Cục thuế trả lời về vấn đề này, Cục thuế đang tiến hành giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT cho Công ty TNHH MTV Tiến Minh Gia Lai theo quy định.
Câu hỏi 8: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp khắc phục tình trạng hàng giả, giống giả, hàng hóa kém chất lượng về các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời: Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, bảo đảm lợi ích của nông dân. Nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thường xuyên chỉ đạo phòng, cơ quan chuyên môn trực thuộc tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
1. Công tác chỉ đạo, điều hành
- Công văn số 613/SNN-TTBVTV ngày 27/4/2017 về việc Hướng dẫn việc thực hiện quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.
- Quyết định số 199/QĐ-SNNPTNT ngày 05/5/2017 về việc thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về tình hình sản xuất, kinh doanh và lưu thông giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.
- Công văn số 973/SNNPTNT-QLCLNLSTS ngày 20/6/2017 về việc triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.
- Quyết định số 576/QĐ-SNNPTNT ngày 30/10/2017 về việc thành lập Đoàn phúc tra liên ngành về tình hình sản xuất, kinh doanh và lưu thông giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.
- Công văn số 1889/SNNPTNT-TTBVTV ngày 31/10/2017 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.
- Công văn số 2178/SNNPTNT-TTBVTV ngày 08/12/2017 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017 của Chính phủ về Quản lý phân bón.
- Công văn số 17/SNNPTNT-TTBVTV ngày 05/01/2018 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng trên địa bàn tỉnh năm 2018.
- Công văn số 708/SNNPTNT-TTBVTV ngày 03/5/2018 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón.
- Công văn số 726/SNNPTNT-TTBVTV ngày 07/5/2018 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Quyết định số 488/QĐ-SNNPTNT ngày 09/8/2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thành lập Đoàn Thanh tra việc sản xuất, kinh doanh, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.
2. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn
Trong năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức được 13 lớp tập huấn, tuyên truyền các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp cho 530 lượt tổ chức, cá nhân tham gia. Qua các lớp tập huấn đã tuyên truyền các quy định của pháp luật và chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, góp phần chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh và niềm tin cho người sử dụng đồng thời tạo sự chuyển biến về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân trong việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp.
3. Công tác thanh tra, kiểm tra
 Trong năm 2017 và 2018 ngoài việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng cấp huyện, Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh; Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập 04 đợt thanh tra chuyên ngành. Tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 797 cở sở, trong đó số cơ sở vi phạm là 308 cơ sở (Nhắc nhở: 92 cơ sở; phạt tiền 216 cơ sở với số tiền 546,75 triệu đồng, tịch thu hàng hóa 400 chai phân bón lá, 260 bao phân bón loại 50kg/bao, 32 chai và 54 bì thuốc BVTV các loại).
Tuy nhiên, qua báo cáo kết quả công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Nông nghiệp và PTNT,  ngành Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố, từ năm 2017 đến nay trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vật tư nông nghiệp, đặc biệt giống cây trồng là hàng giả, nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Sở Nông nghiệp tiến hành lấy 05 mẫu vật tư nông nghiệp (03 mẫu phân bón hữu cơ, 02 mẫu thuốc bảo vệ thực vật), Sở Công thương lấy 02 mẫu phân bón gửi đi phân tích chất lượng, kết quả phân tích phù hợp với chất lượng công bố của đơn vị sản xuất. Ngoài ra, do một bộ phận người dân có thói quen phối trộn nhiều loại thuốc để giảm công phun, sử dụng không theo nguyên tắc 4 đúng nên phần nào gây ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…. dẫn đến việc người dân cho rằng mình mua phải vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng.
Đồng thời, trong năm 2017 và năm 2018 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa nhận được phản ánh của người dân trên địa bàn tỉnh về sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trên thị trường.
4. Giải pháp trong thời gian tới
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp nhằm ngăn chặn tình trạng vật tư nông nghiệp nhất là giống cây trồng giả, nhái, kém chất lượng xảy ra trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo phòng, cơ quan chuyên môn thuộc Sở thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp cụ thể như sau:
- Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến, tuyên truyền các Văn bản quy phạm pháp luật về  sản xuất, kinh doanh và lưu thông vật tư nông nghiệp để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh biết chấp hành.
- Phổ biến, truyền tải các thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp rộng rãi đến người dân nhằm nâng cao kiến thức của người dân trong sản xuất, sử dụng vật tư nông nghiệp một cách có hiệu quả nhất.
- Thông báo cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký bình tuyển cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng. Tổ chức thẩm định, bình tuyển và khai thác cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả lâu năm làm nguồn vật liệu phục vụ cho sản xuất cây giống theo quy định của Pháp lệnh giống cây trồng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (theo phân cấp quản lý nhà nước về vật nông nghiệp) nhằm kiểm soát chặt chẽ và phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan cấp huyện, thị xã, thành phố đặc biệt là chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương để quản lý (thanh tra, kiểm tra, giám sát) tốt các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng và quảng cáo (tiếp thị, hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện, các mô hình trình diễn) vật tư nông nghiệp trên địa bàn nhằm ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp giả, nhái, kém chất lượng
Câu hỏi 9: Công ty TNHH Thương mại chế biến nông sản đường Vạn Phát. Đề nghị được hỗ trợ về cơ giới hóa, công nghệ để thu hoạch mía (giảm chi phí quá cao trong khâu thu hoạch của dân):
Sở Khoa học và Công nghệ trả lời: Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 341/KH-UBND ngày 01/02/2016 về thực hiện đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020. Với mục tiêu chung là đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp với từng loại cây trồng, vật nuôi, làm thay đổi tập quán canh tác phân tán, thủ công, lạc hậu sang sản xuất bằng máy, thiết bị tiên tiến, hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Ngày 04/4/2018 UBND tỉnh Gia Lai có Văn bản số 644/UBND-NL về việc đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2018.
Câu hỏi 10: Công ty Cổ phần Quốc tế Trường Sinh hỏi vấn đề hỗ trợ về khởi nghiệp
Sở Khoa học và Công nghệ trả lời: Thời gian qua việc khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp đã được Sở Khoa học và Công nghệ đưa vào kế hoạt động hằng năm của đơn vị, cụ thể như:
- Về hỗ trợ khởi nghiệp:
+ Năm 2017 Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ và đưa 60 học viên là đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, hội viên các hợp tác xã…tham gia khóa đào tạo về khởi nghiệp doanh nghiệp tại Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp – Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh;
+ Năm 2018: Sở đã tổ chức 02 lớp đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Gia Lai cho các đối tượng là hội viên phụ nữ và đoàn viên, thanh niên, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, tích cực phối hợp với các huyện, thị xã thành phố triển khai các lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến kiến thức về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0); hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; về chương trình phát triển tài sản trí tuệ xây dựng nhãn hiệu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu đề tài dự án đã nghiệm thu đến các địa phương. Đã tổ chức cho hơn 2000 lượt người tham dự các lớp này đối tượng là các cán bộ quản lý, đoàn thanh niên, phụ nữ, các HTX, các doanh nghiệp…
- Cơ chế, chính sách: Ngày 09/7/2018 UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018-2020. Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì xây dựng và tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” tại tỉnh Gia Lai giai đoạn 2019-2020. Các nội dung chính của Kế hoạch chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: Xây dựng cổng thông tin điện tử; tuyên truyền phố biến về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở ươm tạo; hỗ trợ các dự án khởi nghiệp.
Câu hỏi 11: Công ty TNHH MTV Tiến Minh Gia Lai hỏi Doanh nghiệp KHCN hiện nay chưa được nhiều, do vấn đề tuyên truyền để các doanh nghiệp thấy được các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp KH&CN. Do đó cần có các chính sách ưu đãi, tuyên truyền để các doanh nghiệp có sản phẩm, ứng dụng công nghệ trong thời gian đến?
Sở Khoa học và Công nghệ trả lời: Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN cho 04 đơn vị đó là Công ty TNHH MTV Tiến Minh Gia Lai; Công ty TNHH MTV sinh học Minh Hoàng Gia Lai, Công ty TNHH MTV Hồ tiêu ngũ sắc, công ty cổ phần đầu tư và phát triển môi trường Viwaseen Phương Hướng.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN KHCN như ưu đãi lãi suất thấp, miễn giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế thu nhập DN... Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít DN KHCN đủ điều kiện được hưởng những ưu đãi này do gặp những rào cản về chính sách.
Theo quy định tại Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007, DN KHCN muốn nhận được ưu đãi về thuế thu nhập phải đáp ứng điều kiện: Doanh thu của các sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả KHCN trong năm thứ nhất từ 30% tổng doanh thu trở lên, năm thứ hai từ 50% tổng doanh thu trở lên, năm thứ ba trở đi từ 70% tổng doanh thu trở lên. Trong khi đó, phần lớn các DN KHCN đều còn nhỏ lẻ, manh mún, tiềm lực chưa cao, không đáp ứng được điều kiện này.
Doanh nghiệp KHCN là DN đặc thù, chuyên sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Vì vậy, việc phát triển DN KHCN sẽ thúc đẩy ứng dụng các thành tựu KHCN vào sản xuất và đời sống, tạo ra sản phẩm mới có chất lượng cao.
Tuy nhiên, hiện nay, các DN KHCN vẫn gặp khó khăn trong khâu thương mại hoá sản phẩm. Hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước mới chỉ tập trung vào vào việc tổ chức các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ mà chưa có những hỗ trợ trực tiếp cho DN trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đăng kí bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ... Do đó, nhiều sản phẩm có tiếng nhưng lại không có đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại.
Số lượng DN KHCN trên địa bàn tỉnh còn ít so với tiềm năng, một phần là do chính sách ưu đãi chưa đủ thu hút, một phần là do các DN còn ngại thủ tục rườm rà, phức tạp.
- Chính sách tuyên truyền: Để phố biến các quy định về doanh nghiệp KH&CN, Sở KHCN đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị truyền thông như Đài Phát thanh – Truyền hình, Báo Gia Lai…tổ chức các hội nghị tập huấn, tuyên truyền về cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp KHCN; tổ chức các hội nghị, hội thảo tại tỉnh để giới thiệu, phổ biến các quy định về doanh nghiệp KHCN đến rộng rãi doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Câu hỏi 12: Ông Hoàng Phước Bính - Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê hỏi tỉnh cần có đề án tổng thể về phát triển hồ tiêu bền vững (quy hoạch, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đi vào chế biến sâu hồ tiêu để nâng giá trị sản phẩm)
Sở Khoa học và Công nghệ trả lời: Hiện nay UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia gửi Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm vụ “nâng cao chất lượng sản xuất và kinh doanh Hồ tiêu bền vững theo hướng công nghệ cao trên địa bàn Tây Nguyên và Miền Trung trọng điểm là vùng Hồ tiêu Gia Lai, hướng tới xây dựng thương hiệu Hồ tiêu Gia Lai thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu Quốc gia”.  Nếu nhiệm vụ này được phê duyệt sẽ xây dựng được mô hình liên kết phát triển bền vững hồ tiêu theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất giá trị gia tăng của các sản phẩm hồ tiêu tại Gia Lai nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ sản xuất hồ tiêu, đạt chuẩn xuất khẩu nâng tầm sản phẩm Hồ tiêu Việt Nam ra thị trường thế giới.
Câu hỏi 13: Hợp tác xã nông nghiệp Thảo Nguyên: Kiến nghị việc miễn tiền thuê đất từ ngày 01/7/2014 đến nay do chuyển hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất để sử dụng vào mục đích Trụ sở làm việc, nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề với diện tích 48.373,9 m2.
Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời: Sau Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2018, ngày 22/8/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh Gia Lai và Hợp tác xã nông nghiệp Thảo Nguyên tổ chức buổi họp và Sở đã có Công văn số 2417/STNMT-QHĐĐ ngày 24/8/2018 đề nghị Hợp tác xã nông nghiệp Thảo Nguyên hoàn thiện hồ sơ xin thuê đất tại huyện Chư Prông.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2435/VP-KTTH ngày 27/8/2018 về việc giải quyết các kiến nghị tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo UBND tỉnh tại công văn số 2456/STNMT-QHĐĐ ngày 30/8/2018.
Ngày 12/9/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường có Tờ trình số 2598/TTr-STNMT gửi UBND tỉnh đề nghị cho Hợp tác xã nông nghiệp Thảo Nguyên chuyển hình thức từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất để sử dụng vào mục đích Trụ sở làm việc, nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề.
         Ngày 02/10/2018, UBND tỉnh ra Thông báo số 99/TB-VP về kết luận của đồng chí Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp liên quan đến diện tích đất của Hợp tác xã nông nghiệp Thảo Nguyên, giao Cục thuế tỉnh kiểm tra, rà soát các quy định liên quan đến việc miễn thuế, giảm truy thu tiền thuê đất từ năm 2014 đến 2017 cho Hợp tác xã nông nghiệp Thảo Nguyên. Theo đó, Cục thuế tỉnh có Công văn số 1369/CT-THNVDT ngày 12/10/2018 gửi Tổng Cục thuế về đề xuất một số phương án để xin ý kiến của Tổng cục Thuế áp dụng khoản 10 Điều 19 và khoản 5 Điều 20 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ để giải quyết miễn, giảm tiền thuê đất cho Hợp tác xã nông nghiệp Thảo Nguyên.
         Ngày 19/11/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường có công văn số 3406/STNMT-QHĐĐ gửi Cục thuế tỉnh, đề nghị Cục thuế sớm có ý kiến giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc miễn, giảm tiền thuê đất của Hợp tác xã nông nghiệp Thảo Nguyên tại Chư Prông để Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo UBND tỉnh giải quyết theo quy định.
         Ngày 26/11/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận được Công văn số 1685/CT-THNVDT ngày 22/11/2018 của Cục Thuế tỉnh Gia Lai, nội dung: Cục Thuế tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục báo cáo Tổng cục Thuế và sau khi có hướng dẫn cụ thể sẽ phản hồi kịp thời cho Sở Tài nguyên và Môi trường.
         Từ đó đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được văn bản đề xuất của Cục thuế tỉnh nên chưa có cơ sở hướng dẫn Hợp tác xã nông nghiệp Thảo Nguyên hoàn thiện các thủ tục để được miễn, giảm tiền thuê đất (nếu có) theo quy định của pháp luật. Sau khi cơ quan thuế có ý kiến giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc miễn, giảm tiền thuê đất của Hợp tác xã nông nghiệp Thảo Nguyên tại huyện Chư Prông thì Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.
Câu hỏi 14: Đề nghị phê duyệt phương án giá nước sạch của công ty cổ phần cấp nước Chư Sê
Sở Tài chính trả lời: Ngày 25/12/2018 Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án giá nước sạch của Công ty CP cấp nước Chư Sê. Ngày 28/12/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND về việc quy định giá nước sạch sinh hoạt đô thị trên địa bàn thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai và Quyết định phê duyệt phương án giá nước sạch trên địa bàn thành phố Pleiku của Công ty CP cấp nước Chư Sê. 
Nguồn: Phòng DN


Chung nhan Tin Nhiem MangCopyright © 2012 Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Hữu Quế
Giấy phép số:04 /GP-TTĐT  của Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai, Cấp ngày 22/6/2021.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hoàng Hoa Thám, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 382-4414  /  Fax: (0269) 382-3808 - Email: skhdt@gialai.gov.vn
      Trang chủ     |   Tin tức   |   Liên hệ   |   Mobile   |   Site map