Tin tức - Sự kiện > Tin tổng hợp > Tăng cường vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vữn

Tăng cường vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững

23/11/2018
(MPI) - Ngày 17/11/2018, tại tỉnh Quảng Ninh, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (Vinasme) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh tổ chức “Diễn đàn hợp tác - liên kết và phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XI năm 2018” với chủ đề “Tăng cường vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững”.
1.jpg


Với sự tham dự của hơn 500 đại biểu, Diễn đàn là cầu nối để Vinasme, các bộ, trung ương, địa phương gặp gỡ trao đổi, tiếp xúc trực tiếp với các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp ở địa phương khu vực phía Bắc, đồng thời định hướng hoạt động và phát triển các tổ chức hiệp hội Doanh nghiệp và doanh nghiệp.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, năm 2018 là năm có nhiều yếu tố tích cực, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng. Thứ nhất, năm 2018 là năm đầu thực hiện các Nghị quyết TW5 khoá 12 quan trọng về kinh tế, trong đó có Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặt trọng tâm vào nhiệm vụ tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân và hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.
Thứ hai, đây cũng đánh dấu là năm thứ 5 liên tiếp, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các nghị quyết số 19 đặt ra các mục tiêu phù hợp với thực tiễn phát triển doanh nghiệp Việt Nam, các động lực để cải cách, so sánh các môi trường kinh doanh của Việt Nam với khu vực và thế giới và từ đó có những giải pháp cụ thể đối với từng bộ, ngành chịu trách nhiệm. Các nghị quyết số 19 là minh chứng rõ ràng thể hiện sự quyết tâm cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động và hiệu quả.
Thứ ba, sau gần 20 năm kể từ khi chính thức xác lập sự ủng hộ của Chính phủ đối với DNNVV tại Nghị định số 90/2001/NĐ-CP, nhiều năm khuyến khích thành lập và củng cố các tổ chức trợ giúp DNNVV, tạo điều kiện tham gia các hiệp hội doanh nghiệp... Năm 2018 là năm đầu có hiệu lực của Luật hỗ trợ DNVVN với nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ thiết thực, phù hợp với thực trạng doanh nghiệp nước ta. Đặc biệt, Điều 26 của Luật đã khẳng định một lần nữa vai trò, trách nhiệm của các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ, trợ giúp các doanh nghiệp.

2.jpg

Tại Diễn đàn, nhiều bài tham luận quan trọng được trình bày như: Hiệp hội các tổ chức kinh tế - những khía cạnh pháp lý cần lời giải, cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư kinh doanh - Nâng cao năng lực cạnh tranh các tỉnh CPI; Luật hỗ trợ DNNVV mang lại lợi ích gì cho các DNNVV; Mô hình bản đồ sinh thái doanh nghiệp; Tăng cường vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp trong hỗ trợ DNNVV phát triển bền vững; Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính - khơi nguồn đầu tư phát triển kinh tế cho DNNVV Việt Nam; Ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và nhận diện, truy xuất sản phẩm hàng hóa,…
Tại Diễn đàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Hiệp hội cùng chung tay với các cơ quan chính quyền thúc đẩy các hoạt động kết nối: liên kết doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI với DNNVV, liên kết doanh nghiệp trong nước - doanh nghiệp nước ngoài, phát huy tối đa nguồn lực, kinh nghiệm quản lý, công nghệ dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài nhằm hỗ trợ sự phát triển của khu vực DNNVV trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia và phát triển chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời, các hiệp hội cần chủ động đổi mới và nâng cao năng lực, tư duy, phương thức hoạt động trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên. Các hiệp hội địa phương tham gia triển khai chính sách ở các địa phương, đặc biệt để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững để góp phần cùng Chính phủ đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các hiệp hội có giải pháp tiếp nhận, triển khai thực hiện một số dịch vụ công, đặc biệt liên quan đến đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp mà các cấp chính quyền bàn giao./.
                                                                                                                                                                              Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư


Chung nhan Tin Nhiem MangCopyright © 2012 Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Hữu Quế
Giấy phép số:04 /GP-TTĐT  của Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai, Cấp ngày 22/6/2021.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hoàng Hoa Thám, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 382-4414  /  Fax: (0269) 382-3808 - Email: skhdt@gialai.gov.vn
      Trang chủ     |   Tin tức   |   Liên hệ   |   Mobile   |   Site map