Gia Lai đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

Gia Lai đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

     Sáng 10-10, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung tâm có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự ở các điểm cầu có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các Hiệp hội ngành nghề và một số DN, HTX tiêu biểu trên địa bàn cùng 295 doanh nghiệp đại diện cho 7.600 doanh nghiệp trên toàn tỉnh.
     Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã thông tin đến các đại biểu và cộng đồng doanh nghiệp về tình hình dịch Covid-19 và những biện pháp triển khai thực hiện phòng-chống dịch trên địa bàn. Bằng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự hỗ trợ hết mình của cộng đồng DN và người dân nên dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn những nghĩa cử của cộng đồng DN trong công tác phòng-chống dịch và chào mừng các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến để cùng nhau chia sẻ và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã thông tin đến các DN, HTX về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng còn lại.
hinh1_DN.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

     Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài, diễn biến rất phức tạp do chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống, kinh tế- xã hội cả nước nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ, đời sống nhân dân nói chung và người lao động nói riêng gặp khó khăn. Không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, giải thể, đặc biệt trong các ngành giao thông vận tải, dịch vụ, du lịch... Trong 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh cấp đăng ký thành lập mới là 650 doanh nghiệp, với tổng vốn 5.905 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 21,5% so với cùng kỳ, số vốn đăng ký giảm 25,6% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp giải thể là 112 doanh nghiệp, tăng 27,5% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là 219 doanh nghiệp, tăng 34,9% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại là 141 doanh nghiệp, tăng 22,7% so với cùng kỳ.
       Bằng nhiều giải pháp tích cực trong thu hút đầu tư, đặc biệt là triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; Đến nay, tổng thu ngân sách nhà nước là 6.118,3 tỷ đồng, đạt 134,4% so với dự toán Trung ương giao, đạt 121,2% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 93,3% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 44.856 tỷ đồng, đạt 64,08% kế hoạch, tăng 2,2 lần so cùng kỳ; dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt 9%.
      Tại hội nghị, các Hiệp hội, công đồng doanh nghiệp kiến nghị Những khó khăn, vướng mắc chủ yếu đang gặp phải hiện nay là: Thứ nhất, tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng điều giảm sút; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào, dẫn đến đội giá thành sản xuất; doanh thu giảm mạnh; dòng tiền bị thiếu hụt dẫn đến gặp khó khăn để trang trải các khoản chi phí duy trì sản xuất như; khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Một số HTX cung ứng đầu vào cho thành viên cũng gặp khó khăn khi giá cả nông sản bấp bênh, xuống thấp, việc thu hồi nợ trong dân gặp trở ngại, gây khó khăn cho tái đầu tư; kéo theo đó, các HTX hoạt động trong các lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng nhiều từ dịch COVID - 19, như HTX trong lĩnh vực thương mại, vận tải,…
Với tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp và người dân trước đại dịch. UBND tỉnh đã kịp thời thành lập Tổ công tác hỗ trợ sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản trong tình hình dịch bệnh; Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Tổ Công tác chuyên trách triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Ban hành Kế hoạch số 1487/KH-UBND ngày 07/10/2021 triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các cấp, các ngành, các địa phương đã khẩn trương triển khai các chính sách, giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp như: Gia hạn thời gian nộp thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất; hỗ trợ tín dụng, tiền điện, bảo hiểm...
Hinh2_DN.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

     Nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong thời gian tới:
- Khẩn trương thực hiện các chính sách, giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ cho doanh nghiệp và người dân, triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19  và các chính sách, quy định có liên quan một các hiệu quả, đồng bộ. Bên cạnh việc thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, cần tích cực, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; không đặt ra các quy định không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
- Tiếp tục thực hiện quyết liệt việc cải cách hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó đề cao trách nhiệm, tính kỷ cương, gương mẫu của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu. Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4; triển khai thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; đẩy mạnh thanh toán điện tử.
- Đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã và các nhà đầu tư, cần tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch đã đề ra của năm 2021, gắn với thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh gắn với những lĩnh vực, sản phẩm có nhiều tiềm năng, thế mạnh, được ưu tiên phát triển của tỉnh. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, thực hiện tốt nghĩa vụ của doanh nghiệp, doanh nhân đối với Nhà nước, với người lao động và trách nhiệm đối với cộng đồng. Tiếp tục thông tin kịp thời với cấp thẩm quyền về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn.
- Cộng đồng doanh nghiệp và các Hiệp hội nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác chia sẻ; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN trên nền tảng số; đóng góp sáng kiến cho phát triển kinh tế tỉnh nhà. Ngoài ra, các Hiệp hội cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho DN hội viên và ngành hàng; tăng cường tính liên kết giữa các DN hội viên, hợp tác cùng phát triển. Tiếp tục phát huy truyền thống của các Hội doanh nhân, Hiệp hội doanh nghiệp về thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; tích cực tham gia các quỹ an sinh xã hội, quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”…
     Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Gia Lai rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các chính sách, giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ cho doanh nghiệp và người dân. Nhìn chung các chính sách, giải pháp đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và góp phần giảm bớt nhũng khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động.
Nguồn: Phòng DNKTTT&TN


 

Quay lại