Trải qua 77 năm xây dựng và phát triển, ngành Kế hoạch và Đầu tư cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng đã không ngừng trưởng thành và đổi mới, gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Với vai trò tham mưu tổng hợp về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; cân đối vốn đầu tư phát triển; cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành Kế hoạch và Đầu tư đã phát huy truyền thống đã được hun đúc suốt 77 năm qua bằng lao động sáng tạo, tận tụy, dám nghĩ, dám làm, vượt qua gian nan, thử thách, khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.
          Từ khi được thành lập ngành (ngày 31/12/1945) cho đến nay, ngành kế hoạch và đầu tư mang nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng của đất nước. Dù tên gọi có khác nhau, nhưng ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng luôn đi trước thời gian, vượt lên những bề bộn của thực tại để sớm nhận định, đánh giá, dự báo, hoạch định các chiến lược và kế hoạch cho năm sau, giai đoạn sau, thời kỳ sau, xây dựng nên các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển qua các thời kỳ lịch sử hào hùng và vẻ vang của tỉnh Gia Lai.
          Tỉnh Gia Lai sau ngày giải phóng (17/3/1975), nền kinh tế của tỉnh lúc bấy giờ có xuất phát điểm rất thấp, sản xuất nông nghiệp theo phương thức tự cung tự cấp, cơ sở công nghiệp hầu như chưa có, hệ thống dịch vụ chủ yếu phục vụ cho bộ máy chiến tranh; có hơn 50 vạn người phải cứu đói, 95% dân số mù chữ, cơ sở vật chất, kỹ thuật thấp kém; tình hình an ninh chính trị phức tạp. Dưới sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh uỷ, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, đồng thời có sự chỉ đạo về nghiệp vụ chuyên môn của Uỷ ban Kế hoạch nhà nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã tiến hành hoạch định kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm lần thứ nhất (1976-1980) và cụ thể hoá bằng kế hoạch hằng năm cho phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn này.
          Đến nay, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 10 (2021-2025), bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tỉnh Gia Lai gặp không ít những khó khăn do ảnh hưởng của khủng khoảng tài chính, suy thoái kinh tế; thời tiết cực đoan, hạn hán, thiên tai; vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới và an ninh chính trị tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Đặc biệt từ năm 2020, dịch bệnh Covid 19 và những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội; đời sống nhân dân gặp khó khăn. Vượt qua tất cả, giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 7,55%, vượt 0,05% so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV của tỉnh đề ra. Đến năm 2021, GRDP theo giá hiện hành đạt 88.051,68 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 30,38%; công nghiệp - xây dựng chiếm 23,41%; dịch vụ chiếm 40,58%; thuế sản phẩm chiếm 5,63%; GRDP bình quân đầu người đạt 56,31 triệu đồng. Đây là giai đoạn ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai để lại dấu ấn nổi bật trong vai trò tham mưu tổng hợp.
            Dấu ấn quan trọng nhất trong công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội là huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển. Đến nay, mạng lưới đường bộ đã thông suốt với chiều dài 12.183 km gồm 6 tuyến quốc lộ, 10 tuyến đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn, buôn và đường chuyên dùng. Các tuyến quốc lộ 14c, quốc lộ Trường Sơn Đông, quốc lộ 25; đường tỉnh 662B, đường tỉnh 666; đường 665; quốc lộ 19; đường nối quốc lộ 19 với tỉnh lộ 669; đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông; Cảng hàng không Pleiku, các tuyến đường biên giới và đường đi lên biên giới… được đầu tư, nâng cấp. Tỷ lệ đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt hơn 90%; gần 85% đường trục thôn, bản và đường liên thôn được cứng hóa; trên 65% đường ngõ, xóm, sạch và không lầy lội vào mùa mưa và trên 60% đường trục chính nội đồng đã được đầu tư đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa, sản phẩm thuận tiện. Hệ thống 352 công trình thủy lợi kiên cố với tổng năng lực thiết kế tưới 67.411 ha. Một số công trình tiêu biểu như: thủy lợi Ayun Hạ, thủy lợi Ia Mlá, Hồ Biển Hồ B, Hồ chứa nước PleiPai; Hồ chưa nước Ia Ring, thủy lợi Ia Mơ, hồ chứa nước Plei Thơ Ga, hồ chứa nước Tầu Dầu II, thủy lợi Pleikeo, thủy lợi Ia Rtô…được đầu tư nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống cấp điện được đầu tư phát triển nhanh, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt trong tỉnh và cung cấp điện cho cả nước, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hạ tầng thương mại được đầu tư và phát triển phù hợp với quy hoạch, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng thông tin và truyền thông phục vụ công tác quản lý nhà nước được quan tâm đầu tư đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã theo đúng Khung kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh đã được phê duyệt và hướng đến kinh tế số, xã hội số. Kinh tế nông thôn và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư phát triển. Đến cuối năm 2021, có 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 54,9%.
           Sự thay đổi về diện mạo hạ tầng kinh tế xã hội là động lực để Gia Lai trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư với con số ấn tượng: trong giai đoạn 2016-2020 đã thu hút, kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh 515 dự án với tổng vốn đăng ký là 832.925 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần số dự án và tăng 36 lần về vốn so với giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt, năm 2021, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 70.000 tỷ đồng; nổi bật là có 16 dự án điện gió đưa vào hoạt động trong năm 2021.
          Một dấu ấn khác quan trọng của ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai đóng góp vào kết quả thu hút đầu tư ngoạn mục như trên là công tác tham mưu cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2020 của tỉnh đứng thứ 38 toàn quốc, đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2020 của tỉnh đứng thứ 21 toàn quốc, đứng đầu khu vực Tây Nguyên; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020 của tỉnh đạt 86,41%, đứng thứ 28 toàn quốc, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên; chỉ số PAPI 2020 của tỉnh đúng thứ 43 toàn quốc.
          Đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, ngành kế hoạch và đầu tư – ngành được xem là “tham mưu trưởng” về kinh tế - xã hội – đã luôn nỗ lực, cố gắng, đi tiên phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 1 (năm 2019), và nhiều Bằng khen, Cờ luân lưu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh... Song, có lẽ phần thưởng cao quý nhất của ngành kế hoạch và đầu tư của tỉnh là tốc độ phát triển vượt bậc của tỉnh trong suốt 47 năm qua.
Mục tiêu của tỉnh trong 10 năm đến là tiếp tục đổi mới để trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia;  xây dựng thành phố Pleiku là một trong những đô thị hạt nhân trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia theo hướng đô thị thông minh, với tính chất đô thị là cao nguyên xanh, vì sức khỏe con người. Với quyết tâm đổi mới sáng tạo, kiến tạo và phát triển, cống hiến và không ngừng củng cố phát huy sự đoàn kết, bản lĩnh và trí tuệ của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động; ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai tiếp tục đồng hành cùng tỉnh nhà trên con đường vươn đến những tầm cao mới.

        

Chung nhan Tin Nhiem MangCopyright © 2012 Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Hữu Quế
Giấy phép số:04 /GP-TTĐT  của Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai, Cấp ngày 22/6/2021.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Địa chỉ: 02 Hoàng Hoa Thám, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (0269) 382-4414  /  Fax: (0269) 382-3808 - Email: skhdt@gialai.gov.vn
      Trang chủ     |   Tin tức   |   Liên hệ   |   Mobile   |   Site map